Đó là điểm nổi bật trong văn bản 1532 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn thực hiện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (ĐMT TMN).
Gỡ khó cho hộ gia đình
Trong thời gian qua, mô hình ĐMT TMN gặp vướng vì thủ tục tài chính, cụ thể bắt buộc các hộ dân phải có hóa đơn tài chính khi bán điện cho EVN thì mới được thanh toán. Nhưng hộ gia đình thì hầu hết không có hóa đơn nên mô hình không thể phát triển dù được các bên liên quan đánh giá có tiềm năng cao.
TIN LIÊN QUAN
Năng lượng tái tạo ngày càng thu hút nhà đầu tư
Để gỡ khó, EVN hướng dẫn cách thức thanh toán: Đối với chủ đầu tư ĐMT TMN là doanh nghiệp, có phát hành hóa đơn; hằng tháng công ty điện lực nhận hóa đơn, kiểm tra và thanh toán tiền điện theo hóa đơn cho chủ đầu tư theo quy định.
Đối với chủ đầu tư ĐMT TMN là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn; hằng tháng bộ phận kinh doanh của công ty điện lực thực hiện lập bảng kê thanh toán tiền điện trên hệ thống (CMIS), trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt và chuyển sang bộ phận tài chính kế toán để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư. Tiền thanh toán không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Sau thời điểm kết thúc năm hoặc sau khi kết thúc hợp đồng mua điện từ dự án, căn cứ “Biên bản xác nhận chỉ số công tơ, điện giao nhận và tiền điện thanh toán” hai bên sẽ thực hiện quyết toán tiền thuế giá trị gia tăng theo quy định. Phương pháp xác định thuế giá trị gia tăng đối với chủ đầu tư thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản 1534/BTC-CST ngày 31.1.2019 của Bộ Tài chính.
Việc đo đếm sản lượng ĐMT TMN được thực hiện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. EVN cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ hướng dẫn tại văn bản này khẩn trương triển khai thực hiện và báo cáo các vướng mắc phát sinh nếu có.